Honey processed – kỹ thuật chế biến mật ong, là sự kết hợp giữa hai phương pháp chế biến khô và chế biến ướt, cho ra hạt cà phê thóc có màu vàng như mật ong. Chúng ta gần như không thể tìm thấy một tên gọi thống nhất cho phương pháp chế biến này, đôi khi nó được biết đến với tên thương mại là Semi-Dry Process (bán khô), Semi-Washed (bán ướt) hoặc Hybrid Process (phương pháp lai). Và tại mỗi vùng mà kỹ thuật này được sử dụng nó lại có một tên khác nhau: Ở Brazil (nơi nó được ứng dụng lần đầu) nó có tên Pulped Natural. Tại Indonesia kỹ thuật này còn được gọi là Giling Basah (trong tiếng Indonesia có nghĩa là “nghiền ướt”) và tại Costa Rica người bản xứ gọi nó là Miel.
- Lợi ích rõ ràng nhất của chế biến mật ong so với chế biến khô là cải thiện hiệu quả của quá trình sấy khô, cũng như các đặc tính hương vị thông qua quá trình lên men. Mặt khác, kỹ thuật này hạn chế nhiều rủi ro trong quá trình lên men so với chế biến ướt – theo Cafeimports.
Kỹ thuật chế biến mật ong
Có ba kỹ thuật chế biến cà phê mà bạn dễ dàng bắt gặp nhất là chế biến khô (natural), ướt (washed), và mật ong (honey). Cà phê chế biến tự nhiên được làm khô trước khi tách vỏ và xay. Cà phê được ướt sẽ được xát bỏ vỏ quả để mang đi lên men, giúp phân rã lớp thịt quả (còn được gọi là chất nhầy) trước khi được phơi khô. Chế biến mật ong thu hẹp khoảng cách giữa chế biến ướt và phơi khô tự nhiên; cà phê được xát vỏ và sau đó được làm khô với lớp chất nhầy còn lại.
Tuy cách diễn đạt trên có thể hiểu chế biến mật ong là phương pháp lai (Hybrid Proces). Nhưng trên thực tế nó chỉ là phương pháp đơn giản hóa của chế biến ướt. Nếu trong chế biến ướt, sau khi xát vỏ quả, cà phê được ngâm ủ trong bồn lên men từ 24 – 36 giờ thì trong phương pháp mật ong cà phê không cần lên men, hoặc chỉ lên men ngắn dưới 12 giờ để giữ lại một phần chất nhầy (phần thịt quả) và chuyển đến công đoạn làm khô để hạ độ ẩm xuống 10% đến 12%.
Tiêu đề “chế biến mật ong” (honey processed) khiến nhiều người cho rằng mật ong được sử dụng để pha cà phê hoặc bản thân cà phê sau khi pha có vị có mật ong – nhưng trên thực tế, không phải vậy. Quá trình này được đặt tên từ cảm giác dính, giống như mật ong của hạt cà phê trước khi được sấy khô. Khi hạt cà phê được tách ra khỏi lớp vỏ quả, nó sẽ được bao phủ bởi một lớp màng nhầy, khi được làm khô, nó sẽ tiếp tục hấp thụ lại độ ẩm từ không khí và trở nên dính.
Phân biệt với phương pháp chế biến ướt
Phần khác biệt nhất trong phương pháp chế biến bán ướt là cà phê vẫn trải qua quá trình lên men mà không sử dụng nước. Như đã biết, thành phần chính của lớp vỏ nhầy là nước, Carbonhydrat (đường) và các chất hữu cơ như pectin, proteine… Lớp “thịt quả” này cơ bản là rất “nhầy” nếu phải loại bỏ bằng kỹ thuật cơ học, tuy nhiên chúng được vi khuẩn rất ưa chuộng, do vậy chất nhầy sẽ tự phân hủy do hệ enzim được tiết ra bởi vi sinh vật (và một phần do hệ Enzim trong chính hạt cà phê). Bằng cách này, lớp chất nhầy sẽ “tan rã” hoàn toàn tự nhiên, không tốn nhiều công lao động hay máy móc thiết bị cơ giới.
- Mặc dù quá trình chế biến ướt và chế biến mật ong đều trải qua công đoạn xát vỏ – bao gồm cả chất nhầy & lớp vỏ ngoài cùng (được gọi chung là cùi). Nhưng có một số khác biệt về thuật ngữ trong quá trình này. Nếu cà phê được chế biến ướt nó sẽ đi qua máy xát vỏ – thường được gọi là Demucilaged – và trút bỏ tối đa chất nhầy mà nó có; Trong khi đó, máy xát vỏ cho quá trình chế biến mật ong được gọi là Pulper, sẽ giữ lại một phần chất nhầy bao quanh hạt. Điều này tạo nên các thuật ngữ Pulp và Mucilage – cùng chỉ vỏ nhầy của cà phê.
Vì không đòi hỏi cơ giới cao, phương pháp này cũng tiêu thụ ít nước hơn so với chế biến ướt truyền thống. Cụ thể hơn, trong quá trình chế biến ướt, một lượng lớn nước được sử dụng trong các bể lên men và quá trình rữa, (nước xả thải là vấn đề lớn với các vùng chuyên canh cà phê chế biến ướt). Mặt khác với những vùng thiếu nước thì phương pháp chế biến ướt rất khó thực hiện. Trong khi đó chế biến bán ướt là phương án thay thế hiệu quả khi sử dụng ít nước hơn, lượng xả thải cũng hạn chế mà vẫn phát huy được hương vị cà phê trong quá trình lên men – Do vậy nó có tên là Hybrid Process.
Nguồn gốc của chế biến mật ong
Viện Nông học Campinas (IAC) ở Brazil là nơi đầu tiên thử nghiệm chế biến bán ướt vào đầu những năm 1950. Cho đến những năm 1980, một vài nông dân ở miền Nam Minas Gerais đã triển khai ở quy mô thương mại lần đầu tiên với các tác động chất lượng tích cực. Điều này dẫn đến việc áp dụng rộng rãi sau khi Pinhalense – một hãng thiết bị công nghiệp có tiếng, phát triển máy xay xát và lắp đặt các nhà máy thí điểm nhiều khu vực sản xuất khác nhau của Brazil và giới thiệu sản phẩm mới cho các nhà rang xay trong và ngoài nước. Những sản phẩm đầu tiên từ quy trình chế biến bán ướt tại Brazil có tên thương mại là “Cereja Descascado” hoặc CD.
Sau một khởi đầu chậm chạp ở Brazil vào cuối những năm 1980, quy trình tự nhiên mới đã bắt đầu được sử dụng rộng rãi bởi các nhà rang xay vào những năm 1990. Trong khi hệ thống chế biến ướt ban đầu được phát triển để đối phó với vấn đề chất lượng, thì ở phương diện khác, nó cũng được sử dụng để khai thác các hương vị và phẩm chất đặc biệt hơn. Và do đó, nó được mở rộng từ Brazil sang các khu vực khác như Trung Mỹ nơi được gọi là cà phê chế biến mật ong (Honey process) và sấy khô trong một thời gian lâu hơn với độ ẩm cao hơn, dẫn đến hương vị phong phú hơn.
- Sau khi cà phê chế biến mật ong từ Costa Rica đoạt giải Cup of Excellence năm 2017 và vị trí thứ hai năm 2018, nhiều nhà rang xay đã truyền bá về kỹ thuật này như một phương pháp đặc biệt có nguồn gốc từ Costa Rica.
Trên hầu hết các khía cạnh, phương pháp chế biến Pulped Natural là một quá trình tương tự như chế biến mật ong. Mặc dù các bước gần như giống hệt nhau, một trong những điểm khác biệt chính là quy trình Pulped Natural được phát triển ở Brazil để đẩy nhanh quá trình sấy khô, vì quy trình làm khô truyền thống thường mất nhiều thời gian nên nó cũng ẩn chứa nhiều rủi rõ đối với khiến chất lượng cà phê.
Cà phê chế biến mật ong vàng, đỏ & đen
Thuật ngữ cà phê chế biến mật ong thường đi chung các tính từ màu sắc như cà phê chế biến mật ong vàng, đỏ hay đen. Mặc dù vậy cái tên “mật ong” hoàn toàn không liên quan đến hương vị của cà phê. Nguyên do là trong quá trình chế biến bán ướt, thịt quả xung quanh hạt không được phân hủy 100%, luôn còn sót lại một phần chất nhầy đường và các enzim… sau khi lên men tự nhiên. Nếu hạt cà phê được phơi khô nhanh chóng sau đó sẽ có màu vàng, ngược lại, độ ẩm tồn đọng càng lâu, các phản ứng hóa màu xảy ra sẽ làm sẫm màu hạt cà phê đến đỏ hoặc đen.
Dường như để làm cho mọi thứ trở nên phức tạp hơn, có vẻ như các nhà sản xuất cà phê Trung Mỹ đã chuẩn hóa quy trình chế biến mật ong với sự khác biệt màu sắc (và chất vị) dựa trên lượng chất nhầy được giữ lại và thời gian phơi sấy:
- Yellow Honey – mật ong vàng: Cà phê được loại bỏ phần lớn chất nhầy (chỉ giữa lại khoảng 25%) bằng thiết bị cơ khí, sau đó ủ và làm khô nhanh trong 8 đến 10 ngày, lớp chất nhầy sau khi khô sẽ bết lại với màu vàng đặc trưng – như mật ong. Hương vị lúc này gần giống với cà phê chế biến ướt, và tùy thuộc vào giống cà phê, tính acid có thể được tăng cường
- Red Honey: Tương tự như trên, nhưng khi sản xuất cà phê mật ong đỏ, khoảng 50 đến 75% (tương đối là nhiều hơn) chất nhầy được giữ lại cho quá trình sấy khô, quá trình phơi sấy có che phủ, tạo bóng râm trong 12 đến 15 ngày để khối hạt khô chậm hơn với sự đảo trộn thường xuyên.
- Black Honey: Chế biến mật ong đen được làm khô với gần như 100% chất nhầy. Do độ dính cao của khối hạt cà phê sau khi xát vỏ, nên cà phê phải được xoay và trộn thường xuyên để tránh bết thành các khối. Đây là quá trình khó khăn nhất, đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Phải mất khoảng 30 ngày để làm khô hoàn toàn cà phê.
Cuối cùng bằng việc áp dụng quy trình chế biến bán ướt trên các giống cà phê đặc sản, ta có thể khuếch đại đáng kể cường độ và các thuộc tính cảm quan của chúng. Cà phê chế biến mật ong từ các giống như Geisha, Bourbon, Catuaı, Typica, Maragogype thường đạt điểm cao nhất trong các cuộc thi như Cup of Excellence, Specialty Coffee hay Best of Panama ,.. Tuy nhiên, mặt trái của quá trình chế biến mật ong là đòi hỏi giám sát công đoạn phơi/sấy cẩn thận. Các hạt cà phê cần phải được cào đảo liên tục trong quá trình phơi/sấy để ngăn ngừa sự phát triển của nấm mốc gây hư hỏng do độ ẩm cao.
Nguồn: primecoffea.com