Cà phê Arabica Khe Sanh là một trong tám vùng cà phê chè trọng điểm của Việt Nam, Với chiến lược tái canh hiệu quả cây cà phê chè (Arabica) trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đang cấp bách tái cơ cấu ngành nông nghiệp cà phê để phát triển thương hiệu cà phê Khe Sanh có được tầm vóc quốc tế. Trong giai đoạn này, Prime Coffee tự hào là một trong những đơn vị gìn giữ và phát triển danh hiệu cà phê Arabica Khe Sanh – Quảng Trị với trải nghiệm thuần vị cà phê nguyên bản
Cây cà phê Khe Sanh – Quảng Trị
Khe Sanh là một thị trấn ở miền Trung Việt Nam, thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Địa danh Khe Sanh được cả thế giới biết đến qua trận đánh Khe Sanh năm 1968 trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Nơi đây được ví như là “Trận Điện Biên Phủ thứ hai” hay là chốn “địa ngục trần gian” theo cách nghĩ của lính Thuỷ quân Lục chiến Hoa Kỳ. Ngày nay, Khe Sanh được biết đến với các di tích để du lịch và tiềm năng về thương hiệu cà phê Arabica Khe Sanh.
Khởi xướng cho cây cà phê Khe Sanh, có tài liệu cho rằng là Eugène Poilane – một quân nhân người Pháp, đồng thời là một nhà thực vật học, ông đến Việt Nam năm 1909 với danh nghĩa là công nhân pháo binh làm việc cho xưởng công binh hải quân. Sau đó nhà tự nhiên học Auguste Chevalier đã chỉ định Poilane làm thăm dò viên cho viện sinh vật học và Poilane trở thành đại diện cho dịch vụ quản lý rừng của Đông Dương năm 1922.
Năm 1918, lần đầu Poilane đi xuyên qua khu vực sau này là làng Khe Sanh. Do bị hấp dẫn bởi cây cối tươi tốt ở đây và nghĩ rằng đất đỏ thì phù hợp với cây cà phê, năm 1926 Poilane quay trở lại Khe Sanh và nhập những cây cà phê Chiari để trồng và lập nên đồn điền cà phê đầu tiên ở Khe Sanh (Theo Puriocafe).
Cây cà phê Khe Sanh ngày này
Cho đến nay, cà phê Khe Sanh vẫn giữ vị thế tiên phong trong vùng cà phê chè miền trung, Diện tích trồng cà phê ở Khe Sanh khoảng 4.600ha tập trung ở 3 xã: Hướng Phùng , Hướng Linh và Tân Liên; rải rác ở các xã Hướng Tân, Hướng Sơn, Phùng Lâm và xã Húc. Xã Hướng Phùng đóng vai trò quan trọng nhất do có diện tích trồng lớn nhất chiếm đến 80% diện tích trồng cà phê của huyện Hướng Hoá, thời tiết thuận lợi nhất do mưa ít nhất trong các xã và cuối cùng là độ cao phù hợp, cao 670m so với mực nước biển.
Giống cà phê được trồng chủ yếu ở Khe Sanh là Catimor trái đỏ từ năm 1993, Catimor trái vàng rất ít. Khe Sanh đã từng thử nghiệm trồng Robusta từ năm 1968 nhưng không thành công do cây Robusta thụ phấn chéo và không chịu nổi khô hạn, đỉnh điểm là mùa khô năm 2015 (12/2014 đến 5/2015) khô hạn đã giết sạch cây Robusta ở Khe Sanh. Năm 2013, Viện nghiên cứu Tây Nguyên lai tạo thành công giống TN1, lai giữa Robusta và Typica, hiện được trồng thử nghiệm ở nông trường Tân Lâm.
Những nỗ lực phát triển cây cà phê của địa phương
Từ những năm 1998 được sự quan tâm của chính phủ với nỗ lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Lao Bảo, Cà phê Arabica Khe Sanh đã được chú trọng phát triển, song cũng có nhiều dấu ấn đáng tiếc trong công cuộc phát triển mà nổi bật nhất là giai đoạn 2011 -2012 khi mà người trồng cà phê ở Hướng Hóa lao đao vì cà phê đã mất mùa lại còn rớt giá (giá cà phê có lúc thấp ở mức 7.000đ/kg) . Cho đến nay, dù có sự phát triển nổi bật trong danh tiếng, Nông dân canh tác cà phê tại Khe Sanh vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Hiệp hội cà phê Khe Sanh có 34 thành viên, gồm xí nghiệp chế biến và nông hộ kết hợp cơ sở chế biến. Khe Sanh có 3 nhà máy xuất khẩu cà phê nhân: Đại Lộc, Minh Tiến và Thương Phú, 6 nhà máy doanh nghiệp: Acep, Thành Danh, Trần Thị Hương Trung, Bùi Thị Hương Khương, Sân Quyết và Vương Thái, và có thêm khoảng 6 nông hộ tham gia chế biến cà phê nhân.
Ngoài ra, Khe Sanh có một câu lạc bộ nông hộ điển hình, từ 7-10 nông hộ hợp lại cùng trao đổi phương thức canh tác, thu hoạch và chế biến theo yêu cầu của doanh nghiệp thu mua chế biến, theo hướng cà phê sạch, không dùng thuốc diệt cỏ trong rẫy cà phê, hạn chế dùng phân bón hoá học (thay thế dần bằng phân vi sinh), v.v.
Quy mô nông hộ lớn cũng chỉ khoảng 4-5ha/nông hộ, nên các doanh nghiệp và cơ sở chế biến phải thu mua từ rất nhiều nông hộ. Do đó, chất lượng cà phê tươi không đồng đều, khó kiểm soát chất lượng trái tươi về mặt phẩm và chất, tỉ lệ trái xanh dạt bỏ ra cao.
Nguồn: primecoffea.com