Thế giới cà phê bao gồm rất nhiều loại cà phê khác nhau. Cùng một loại cà phê, thậm chí được chồng ở những điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau sẽ mang những phẩm chất, hương vị riêng. Vậy trong “gia phả” của loại hạt tinh túy này, những “họ tên” nào được thị trường yêu thích nhất?
1. Kopi Luwak
Hay còn được biết đến rộng rãi với tên gọi: Cà phê chồn. Đây là một loại café đặc biệt, được xếp vào hàng sang trọng và hiếm nhất thế giới. Loại cà phê này hầu như chỉ có ở Indonesia, trên các hòn đảo Sumatra, Java và Sulawesi.
Cái tên gọi Kopi Luwak được dùng để chỉ một loại hạt do loại cầy vòi đốm ăn quả café rồi thải ra.
Bắt nguồn từ từ kopi trong tiếng Indo có nghĩa là café. Luwak là tên của một vùng thuộc đảo Java, đồng thời cũng là tên của loại cầy cư trú quoanh đó. Loài cầy vòi đốm (Paradoxurus hermaphrodites) thuộc họ Cầy (Viverridae).
Loài này phân bố rải rác ở các nước vùng Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Việt Nam và miền nam Trung Quốc. Thức uống ưa thích của chúng là trái cây và quả café. Tuy nhiên, khi vào dạ dày, chỉ có phần thịt café được tiêu hoá, còn hạt café lại theo đường tiêu hoá bị thải ra ngoài. Quá trình này tạo cơ sở chính cho sự có mặt của loại cà phê huyền thoại hôm nay.
2. Blue Mountain Coffee
Cà phê Blue Mountain là một trong những loại hạt cà phê Arabica có giá thành cao và được ưa chuộng nhất trên thế giới. Nó có nguồn gốc ở phía đông của dãy núi Blue trên Jamaica. Người ta gọi loại hạt cà phê này là Jamaican Blue Mountain để phân biệt với những loại hạt cà phê khác.
Với độ cao từ 2000m- 5000m, vùng núi Blue Mountains là một trong những vùng trồng cà phê cao nhất trên thế giới. Khí hậu ở đây dễ chịu, lượng mưa lớn, đất rất giàu dinh dưỡng và thấm nước tốt. Sự kết hợp giữa đất đai và khí hậu tạo nên điều kiện lý tưởng cho cây cà phê. Tuy nhiên loại cà phê này không thích hợp với các điều kiện khí hậu khác. Sự thay đổi khí hậu sẽ dẫn tới sự thay đổi hương vị cà phê. Chính vì thế mà hiện nay nó mới chỉ được trồng ở Jamaica và Hawaii.
Theo những người sành cà phê thì loại cà phê này nổi tiếng với hương vị nhẹ, đượm mùi, ít chua, có chút xíu vị ngọt, đậm đà. Giá một kg cà phê loại này hiện nay khoảng 100 USD. Nhật Bản là nước nhập khẩu cà phê Blue Mountain nhiều nhất (90% tổng sản lượng). Những hạt cà phê này cũng là cơ sở cho các loại cà phê mang hương rượu Tia Maria.
3. Bourbon Coffee
Bourbon là giống cà phê được đặt tên bắt nguồn từ vùng đất sinh trưởng đầu tiên của nó đảoBourbon, bây giờ là Reunion nằm ở phía đông Madagasca. Café Bourbon được sản xuất lần đầu tiên tại Réunion, được biết đến như Bourbon Ile trước năm 1789. Sau đó Bourbon được ưu thích bởi người Pháp, Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh, và bây giờ là một trong hai loại cà phê Arabica được trồng phổ biến nhất trên thế giới, là một dạng của café Typica.
Cà phê Bourbon thường được sản xuất ở độ cao từ 1.000 đến 2.000 mét và cho ra năng suất cao hơn 20-30% so với Typica, nhưng có thể tạo ra chất lượng cà phê tương đương.
Loại cà phê này có vị chua thanh rất hấp dẫn, với mùi thơm quyến rũ. Nhấp thử một ngụm, bạn sẽ thấy có cảm giác thật thích thú. Bourbon đã di thực và và được trồng ở miền cao nguyên Việt Nam từ rất lâu. Hiện nay, đây là giống cà phê thơm ngon hàng đầu của cà phê Việt Nam.
4. Ethiopia
Ethiopia có thể được ví là cái nôi của cà phê. Trong thế kỷ thứ mười, người du mục đang chăn dê trên một sườn núi Ethiopia đã là người đầu tiên nhận ra tác dụng kích thích của cà phê. Sau đó thứ thức uống này đã được lan rộng trên khắp Trung Đông bởi những người hành hương Sufi huyền bí mang đạo Hồi. Từ Trung Đông, giống café này dần được biết đến rộng rãi ở các nước Châu Âu và Châu Mỹ.
Cà phê vẫn phát triển tự nhiên trong rừng núi của Ethiopia. Nông dân trồng cà phê Ethiopia trong bốn hệ thống khác nhau, trong đó bao gồm cà phê rừng, cà phê bán rừng, vườn cà phê và trồng cà phê. Khoảng 98% lượng cà phê ở Ethiopia là sản phẩm của nông dân trên nông trại nhỏ và nó là xuất khẩu quan trọng nhất của đất nước.
Ethiopia là nước sản xuất cà phê lớn thứ ba của châu Phi. Có khoảng 700.000 hộ sản xuất nhỏ cà phê ở Ethiopia, trong đó 54 phần trăm là trong rừng nửa diện tích. Cà phê là một phần của truyền thống văn hóa bản địa của họ trong hơn 10 thế hệ.
Cà phê Ethiopia là một trong những nguồn gốc cà phê phổ biến nhất trên thế giới. Tuy nhiên, Ethiopia phải cạnh tranh và hợp tác với các công ty cà phê, thường có sức mạnh thị trườngnhiều hơn và kiếm được lợi nhuận cao hơn. Hàng năm, người dân trồng cà phê ở Ethiopia trung bình kiếm được khoảng $ 900 mỗi năm.
Chứng nhận cà phê Ethiopia bắt đầu sau khi thành lập Hội đồng Cà phê của Ethiopia (NCBE) vào năm 1957. Mục tiêu của NCBE là để kiểm soát và phối hợp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩuvà nâng cao chất lượng cà phê Ethiopia.
Mùi hương của các giống cà phê bản địa Phi Châu phong phú vô kể, có mùi xen lẫn từ socola đến mùi bánh nướng, từ mùi của đồng cỏ đến mùi của hoa trái; vị từ ngọt ngào cho đến chua thanh, từ đắng đến cay. Nơi đây quả không hổ danh là một vương quốc để suốt đời khám phá.
5. Villasarchi
Villasarchi là một giống lai của cà phê Bourbon. Villasarchi sinh trưởng ở thung lũng Sarchi phía Tây thành phố Costa Rica. Các nhánh của cây cà phê này mọc xiên từ thân một góc 45 độ phân tán một vùng lá bao phủ quanh cây rất cân đối.
Villasarchi sinh trưởng tốt ở vùng đất có độ cao lớn, dưới tán cây bóng mát và giống cà phê này thích hợp với phương cách canh tác hữu cơ, vì nó không ưa các loại phân bón hóa học. Trái của Villasarchi có tông màu đỏ sáng trông rất đẹp và hấp dẫn, vị khá chua một cách thanh tao xen lẫn với một độ đắng-ngọt rất huyền bí, tạo một cảm giác lạ khi uống.